Tác dụng của Dihydromyricetin
Dihydromyricetin (DHM) hay còn gọi là Ampelopsin, là một flavonoid được tìm thấy trong các loài thuộc chi Ampelopsis như Chè dây (Ampelopsis cantoniensis Planch.).
Dihydromyricetin (DHM) hay còn gọi là Ampelopsin, là một flavonoid được tìm thấy trong các cây thuộc loài Ampelopsis như Chè dây (Ampelopsis cantoniensis Planch.).
* Dihydromyricetin và tác dụng kháng khuẩn
Nghiên cứu năm 1993 được công bố trên Tạp chí dược học cho thấy DHM có tác dụng ức chế sự phát triển của 14 chủng vi khuẩn, chủ yếu là các chủng Staphylococcus aureus và một số vi khuẩn Bacillus.
* Dihydromyricetin và tác dụng chống ngộ độc rượu
Dihyromyricetin (DHM) được nghiên cứu cho thấy có tác dụng:
- Ngăn ngừa tình trạng nôn nao, đau đầu do rượu
- Ngăn ngừa say rượu và làm giảm tình trạng say rượu.
- Làm giảm các triệu chứng khi cai rượu và giảm tổn thương gan do rượu.
Đây là kết quả được công bố trên tạp chí J Neurosci năm 2012. Theo tác giả Yi Shen, DHM ngăn chặn tình trạng nhiễm độc rượu cấp, cải thiện hội chứng cai rượu và làm giảm đáng kể lượng rượu được uống tự nguyện ở chuột. Tác động cấp tính của rượu là ức chế chức năng của não bộ bằng việc tăng cường các dẫn truyền thần kinh ức chế, trong đó chủ yếu là tác động lên GABA – một chất dẫn truyền thần kinh ức chế chính ở não. Nghiên cứu này cho thấy DHM có tác dụng đối kháng với tình trạng tăng cường dẫn truyền xung động thần kinh và tính thường biến của các receptor GABAA do rượu và tình trạng uống/cai rượu gây ra, bao gồm việc thay đổi các đáp ứng hậu và ngoài synap của receptor GABAA đối với rượu và quan trọng nhất là ức chế sự tăng sự biểu hiện các tiểu đơn vị receptor GABAA α4 ở vùng hải mã và các neuron được nuôi cấy.
* Dihydromyricetin và tác dụng bảo vệ gan
Theo nghiên cứu của Xianjuan Kou và cs năm 2012, DHM có tác dụng bảo vệ gan, han chế tổn thương gan, biểu hiện thông qua: giảm hoạt động của enzym ALT, AST, giảm tổn thương mô bệnh học ở gan, ức chế hình thành các sợi collagen mới và phân tán các sợi collagen cũ vào các vi khối nhỏ. Ngoài ra, DHM còn cho thấy tác dụng chống viêm và chống oxy hóa: giảm sản xuất các chất trung gian gây viêm (IL-1β, IL-6 và TNF-α), ức chế hoạt động của iNOS, ức chế sự biểu hiện của các gen tiền viêm được điều hòa bởi NF-kB bằng việc ức chế cascades, giảm sản sinh các gốc tự do gây hại.
Nghiên cứu của Luo GQ cho kết quả: Dihydromyricetin có tác dụng ức chế sản sinh và biểu hiện của yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu và yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi cơ bản ở các tế bào gan người; ức chế sự phát triển của khối u cấy ghép trên chuột với tỷ lệ 24,3%; 41,4% và 45,75% ở các mức nồng độ tương ứng 100 mg/kg; 150 mg/kg và 200 mg/kg. Như vây, dihydromyricetin có tác dụng ức chế sự tạo mạch, có khả năng giúp ngăn chặn các tế bào u ác tính gan.
*Tác dụng của Dihydromyricetin trên chuyển hoá glucose và lipid:
Năm 2015, người ta thực hiện một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, mù đôi trên 60 bệnh nhân gan nhiễm mỡ không phải do rượu, sử dụng 300 mg DHM/ngày so sánh với giả dược. Kết quả cho thấy nhóm sử dụng DHM có nồng độ alanin, aspartat aminotransferase, γ-glutamyl transpeptidase, nồng độ glucose, LDL-C, apolipoprotein B và chỉ số đánh giá tính đề kháng Insulin đều giảm mạnh so với nhóm sử dụng giả dược. Ngoài ra, ở nhóm sử dụng DHM, TNF-α, mảnh cytokeratin-18 và yếu tố phát triển nguyên bào sợi 21 đều giảm. Nghiên cứu đi đến kết luận: DHM cải thiện chuyển hóa glucose và lipid cũng như các chỉ số hóa sinh ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ không phải do rượu, cơ chế có thể do DHM cải thiện tính kháng Insulin và chống viêm.
Dihydromyricetin đang được nghiên cứu trong thử nghiệm lâm sàng (NCT03606694) - pha 2 - trên tác dụng đối với việc kiểm soát đường huyết, độ nhạy cảm với insulin và tiết insulin ở bệnh đái tháo đường týp 2.
*Bài viết tổng hợp thông tin từ các tài liệu khoa học chính thống.
*Tài liệu tham khảo:
- Phạm Thanh Kỳ, Phùng Thị Vinh, Nông Hữu Đức, Nguyễn Duy Khang, 1993. Nghiên cứu tác dụng kháng khuẩn của flavonoid của cây chè dây đối với một số vi khuẩn. Tạp chí Dược học. Số 6. Tr. 14-17
- Yi Shen, “Dihydromyricetin as a novel anti-alcohol intoxication medication”, J Neurosci, 2012; 32(1):390-401.
- Xianjuan Kou, “Pharmacological potential of ampelopsin in Rattan tea”, Food science and human wellness, 2012, volume 1, issue 1, pages 14-18.
- Luo GQ, “Inhibitory effects of ampelopsin on angiogenesis”.
- Chen S, “Dihydromyricetin improves glucose and lipid metabolism and exerts anti-inflammatory effects in nonalcoholic fatty liver disease: a randomized controlled trial”, Pharmacol Res, 2015, 99:74-81.
- https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT03606694